Người tiêu dùng mua thực phẩm tươi sống tại một siêu thị. |
Giá xăng, dầu giảm sâu liên tiếp chín lần trong hơn bốn tháng qua nhưng giá hàng hóa vẫn không chịu hạ. Hàng loạt mặt hàng vốn luôn tăng trước khi xăng, dầu tăng giá nay vẫn “neo” ở mức cao...
Trưa 7-11, giá xăng, dầu trong nước đã giảm lần thứ chín trong hơn bốn tháng qua. Bộ Công thương đã gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá xăng, dầu tối thiểu từ 351 đến 949 đồng/lít. Tại TP Hồ Chí Minh, Saigon Petro giảm giá xăng A92 xuống 21.390 đồng/lít, dầu diesel xuống 19.240 đồng/lít. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu khác cũng niêm yết giá bán xăng giảm giá tương đương Saigon Petro, trong đó dầu hỏa giảm ít nhất 351 đồng/lít, dầu ma-dút 3,5S giảm 895 đồng/kg. Như vậy, sau chín lần giảm giá xăng, tổng mức giảm là 4.250 đồng/lít, tương đương giảm 16,57%.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các địa phương chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và các yếu tố đầu vào để điều tiết giá cả hàng hóa trên thị trường. Trước yêu cầu này, các doanh nghiệp vận tải chuyên chở các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả; thủy hải sản; gạo và vận chuyển hành khách đã bắt đầu giảm giá dịch vụ vận tải nhưng mức giảm rất ít.
Bài viết liên quan : vận chuyển hàng hóa đi campuchia
Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và vận tải Thiên Phú giảm 5% giá vé (từ 100.000 đồng/hành khách giảm còn 95.000 đồng/hành khách) tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh - Long Hải. Các tuyến xe chở khách đường ngắn từ thành phố đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng đã giảm giá vé, nhưng mức giảm chỉ là tượng trưng. Ông Trần Hùng Lân, chủ hãng xe Mậu Trường chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Bảo Lộc cho biết, giá dịch vụ vận tải khó giảm nhiều vì lương tài xế, chi phí cầu đường, bảo dưỡng xe không giảm.
Theo Bến xe Miền Đông, các doanh nghiệp vận tải đã gửi thông báo giảm 5-7% giá vé xe đò ở 10 tuyến, tập trung ở các tuyến ngắn có nhiều khách du lịch như Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang.
Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây đang rà soát lại các doanh nghiệp đã tăng giá vé trong thời gian giá xăng, dầu tăng và yêu cầu các đơn vị này giảm giá dịch vụ vận chuyển hành khách.
Trong khi đó, phần lớn các công ty vận tải hàng nông sản, hải sản, gia cầm từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá cũ. Cụ thể, xe tải loại 8 tấn chở rau, củ, quả của Công ty Hương Lan chở hàng từ Bảo Lộc (Lâm Đồng ) về thành phố giá 6,5 triệu đồng/chuyến (chi phí cầu đường chủ xe lo), mức giá này được tính từ đầu năm đến nay. Ông Hà Trịnh, chủ Công ty Hương Lan cho biết, mỗi khi xe xuất hành phải phụ thuộc rất nhiều chi phí mà chi phí không giảm thì chưa thể giảm được giá dịch vụ.
Với mức xăng giảm 16, 56% nhưng giá dịch vụ vận tải chỉ mới giảm 5%, tính ra nhà xe lời thêm 11,57% nhờ giá xăng, dầu hạ.
Đáng nói hơn, hàng hóa thiết yếu ở chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng lại không giảm ở hầu hết các điểm bán hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh.
Tại các chợ đầu mối, hàng hóa vẫn chưa giảm theo giá xăng, dầu, lý do giá cước vận chuyển hàng hóa giảm rất ít hoặc giữ nguyên. Cụ thể, giá vận chuyển rau, củ, quả từ Đà Lạt về chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức là 600 đồng/kg (tương đương 600.000 đồng/tấn hàng), giảm 100 đồng/kg so với trước khi giá xăng, dầu giảm. Các mặt hàng nông sản chuyển từ đồng bằng sông Cửu Long về chợ Thủ Đức đang được tính giá như cũ, từ 400.000 đến 700.000 đồng/tấn.
Tại chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình), nhiều mặt hàng thiết yếu liên quan giá xăng, dầu như rau, củ, quả; gạo; thủy hải sản vẫn đứng giá. Bà Mai Thị Hảo, tiểu thương bán cá nước ngọt cho biết, trước đây khi xăng, dầu lên giá, bạn hàng bảo xăng, dầu lên thì tính thêm nhưng nay xăng, dầu giảm giá người ta nói do nhà xe không giảm giá chở hàng. “Mình mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, chứ nói thật hàng bán giá cao, sức mua càng thêm yếu” - bà Hảo cho biết.
Bà Trần Thị Lan, tiểu thương bán rau, củ, quả ở chợ Tân Phú (quận Tân Phú) cho rằng, giá hàng hóa gắn liền với quyền lợi của người tiêu dùng, với mức giá hàng hóa cao như hiện nay rõ ràng họ chịu thiệt rất nhiều. Mỗi lần giá xăng, dầu tăng, ngay lập tức người tiêu dùng phải trả thêm tiền để mua hàng, nay giá xăng, dầu giảm liên tục nhưng họ chả được lợi gì là không công bằng.
Theo nhiều chuyên gia và người dân, việc điều tiết giá hàng hóa liên quan đến giá xăng, dầu hiện nay không chỉ là khuyến nghị các doanh nghiệp vận tải, các nhà cung cấp dịch vụ, đầu mối bán hàng giảm giá, mà cơ quan Nhà nước cần phải có biện pháp chế tài nhằm chia sẻ với người tiêu dùng.
PV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét