Báo Giao thông tường thuật trực tiếp phần trả lời chất vấn tại Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Mở đầu phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trong các khâu đột phá chiến lược về hạ tầng của đất nước, đột phá cơ sở hạ tầng giao thông là quan trọng nhất. Tại kỳ họp này, có một số vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT, tập trung vào các nhóm vấn đề như chất lượng, tiến độ dự án QL 1A, suất đầu tư các công trình giao thông, rồi tình hình TNGT... Chúng ta đang vừa thi công vừa lưu thông, giải pháp thế nào để đảm bảo an toàn. Năm nay, TNGT đã giảm. Từ con số trung bình hơn 30 người tử vong một ngày do TNGT nay kéo giảm còn 25 người/ngày, nhưng như vậy vẫn còn rất cao, TNGT vẫn còn rất nghiêm trọng. Rồi vấn đề về quản lý vận tải, giá cước... , Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi trực tiếp với Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 18/11 |
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Đề nghị Bộ trưởng cho biết, với nước ta, đâu là giải pháp đồng bộ để giá cước vận tải nói chung và vận tải hàng không nói riêng hợp lý, cạnh tranh được với các nước trong khu vực?
Từ 30/4/1975 đến nay, qua nhiều vị Bộ trưởng nhưng thực tế là từ Pác Bó đến Mũi Cà Mau, vẫn còn có xã chưa có đường đến trung tâm? Xin Bộ trưởng cho biết, bao giờ thì ta làm được việc này?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Về câu hỏi của ĐB Trương Minh Hoàng đối với giá cước vận tải sao để hợp lý và cạnh tranh được với các nước trong khu vực, nhất là khi xây sân bay Long Thành, tôi xin trả lời là Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tái cơ cấu ngành GTVT, tập trung tái cơ cấu vận tải, doanh nghiệp nhà nước trong ngành... Theo đó, từng lĩnh vực đều được tái cơ cấu như đường sắt, đường thủy,hàng không và hàng hải.
Bộ trưởng Đinh La Thăng:
"Cá nhân tôi và tất cả lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận những gì đạt được mới là kết quả bước đầu... Rất mong tiếp tục nhận được sự giám sát chặt chẽ từ các đại biểu Quốc hội và cử tri để chúng tôi hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ".
Chúng ta có lợi thế có đường biển dài, cần phát triển đường biển để hỗ trợ vận tải đường bộ, ngoài ra, đường sắt cũng đang triển khai các chương trình để nâng cao năng lực vận tải, giảm tải cho đường bộ.
Chúng tôi xác định tái cơ cấu thành công phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ, đào tạo lại con người trong từng lĩnh vực, góp phần giảm tải cước vận tải.
Qua những việc đang thực hiện, hiện tỷ trọng vận tải đường bộ đang giảm, hàng hải và đường thủy tăng, đường sắt đang tái cơ cấu sắp xếp lại nên tăng được thị phần.
Cước vận tải đường sắt đã giảm. Vừa rồi, giá xăng tăng nhưng VNR nhiều năm không tăng cước và đợt này sẽ giảm giá vé Tết khoảng 10- 17% so với năm 2013.
Đối với ngành hàng không, Bộ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, đẩy mạnh xã hội hóa tất cả cái gì tư nhân có thể làm được. Vừa rồi, cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không VN rất thành công. Giá vé hàng không, từ 2011 đến nay, không tăng giá dù giá nhiên liệu tăng.
Giá vé hàng không VN nếu so sánh trong khu vực, chặng TP HCM - Hà Nội có hành trình tương đương Phu Khẹt – Băng Cốc, giá vé của họ thấp nhất là 140 USD, còn chặng TP HCM – Hà Nội cao nhất là 2,8 triệu đồng, Vietjet thì chỉ còn 1,4 triệu đồng.
Bộ GTVT đang đẩy mạnh kết nối phương thức vận tải với nhau, nâng cao khả năng vận tải đa phương thức để giảm chi phí cho các doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Còn Đại biểu nói một số nơi chưa có đường ôtô xã huyện, thực tế là có. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ dù GTVT có cải thiện trong vài năm qua, nhưng vẫn rất cần cố gắng nhiều hơn nữa (hiện còn 11 huyện đảo chưa có đường ôtô), có 8 huyện đất liền có đường ôtô đến huyện nhưng phải qua phà. Chúng tôi đã trao đổi, có 5 huyện sẽ được làm cầu trong năm tới. Có 3 huyện sẽ nghiên cứu, kết nối đường huyện. Theo phân cấp đường tỉnh, huyện của địa phương nhưng với trách nhiệm của ngành, chúng tôi sẽ tìm giải pháp để giải quyết việc đi lại cho bà con.
Hiện huyện đảo Cát Hải đang làm đường ôtô Tân Vũ – Lạch Huyện. Còn 10 huyện chưa có đường sẽ được tăng cường bằng đường hàng không, tàu biển hiện đại an toàn.
Về mục tiêu đường ôtô về xã, theo chiến lược phát triển GTNT đến 2020, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Các địa phương đã rất quan tâm phát triển GTNT. Ví dụ tỉnh Tuyên Quang 1 năm đầu tư 100km đường bằng góp của dân, hỗ trợ tỉnh; Phú Yên 9 tháng đã làm được 500km đường. Nhiều địa phương như vậy. Cùng với sự nỗ lực của các địa phương, ngành GTVT sẽ cố gắng tìm vốn, sự ủng hộ hảo tâm của các doanh nghiệp để mục tiêu xây dựng GTNT sớm về đích.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội): Đường cao tốc HN – HP gây chia cắt đồng ruộng, bà con đi lại rất nguy hiểm. Hà Nội đã gửi kiến nghị đến Bộ và có bổ sung hầm, cử tri rất hoan nghênh. Nhưng cần khẳng định hạng mục trên khi nào thi công và khi nào hoàn thành?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đối với vấn đề ĐB nêu là dự án đi qua khu dân cư, cao tốc ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đi lại... xin được thông tin như sau: Để triển khai thi công, dự án phải được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Có thỏa thuận, có thiết kế... mới triển khai được. Ví dụ, có sử dụng đường công vụ hay không? Ảnh hưởng đền bù hoàn trả thế nào? Các dự án đều được thỏa thuận và triển khai thực hiện tốt giữa nhà thầu và địa phương
Tuy nhiên, do khâu phối hợp chưa tốt nên còn gây phiền hà khó khăn cho dân sống tại vùng dự án. Chúng tôi đã kiểm tra, chấn chỉnh. Nếu ảnh hưởng tới người dân thì phải thực hiện theo cam kết. Chúng tôi cũng yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện đúng cam kết để làm sao có dự án mới tốt hơn, đẹp hơn nhưng hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến người dân. Những điều chúng tôi đã hứa là sẽ thực hiện, xin cử tri yên tâm. Hạ tầng phải tốt nhưng cũng phải hạn chế ảnh hưởng ở mức tối thiểu cho cho dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) |
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội): Bộ GTVT đang nghiên cứu chuyển giao một số công trình giao thông Quốc gia, việc này là mới ở VN. Đề nghị Bộ trưởng cho biết cả nước sẽ có bao nhiêu dự án chuyển giao quyền khai thác? Tiêu chí chuyển giao?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đảng và Chính phủ chỉ đạo ngành GTVT phải đột phá thúc đẩy phát triển KTXH, GTVT phải đi trước. Chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nên nguồn lực cho GTVT còn hạn chế. Bộ GTVT đã đề xuất cơ chế, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển GTVT.
Trong 3 năm qua, số huy động cho đầu tư phát triển GTVT đạt 160.000 tỷ đồng, bằng 60% tổng vốn ODA, ngân sách cho ngành GTVT. Đây là một nỗ lực lớn của ngành. Hiện, để đột phá hơn nữa, Bộ GTVT đang nghiên cứ chuyển giao quyền khai thác KCHT và thu phí. Chúng tôi coi đây là đột phá. Đã làm và phải làm tổng thể, nhiều hơn nữa trên cơ sở quy định của pháp luật. Tôi lấy ví dụ, đường cao tốc đã hoàn thành xong 524 km, nếu chúng ta chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thì sẽ có khoản tiền này để làm 500km nữa theo hình thức cuốn chiếu.
Thực tế, Bộ GTVT đã thực hiện chủ trương này từ năm 2013 theo hình thức bán quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Tuy nhiên, đây là hình thức đơn giản và thời hạn bán quyền thu phí chỉ 5 năm.
Về vấn đề chuyển giao, việc chuyển giao là toàn bộ thời gian với Bộ GTVT kế thừa các điều kiện mà nhà đầu tư đã đăng ký. Mức phí sẽ áp dụng theo quy định, trong khung giá quy định và theo điều khoản trong hợp đồng, không thể thu phí cao.
Chúng ta đang hướng tới cơ chế, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thuê được người VN phải trả giá hợp lý mới làm. Thực tế, nước ngoài thuê người VN nhân công không rẻ tại các dự án họ trúng thầu.
Các vấn đề đại biểu lo ngại sẽ được kiểm soát với mục tiêu hoàn thiện chuyển giao kết cấu hạ tầng nhanh hơn, đảm bảo yêu cầu quản lý và và các quy định pháp luật.
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh): Trước hết, tôi xin chúc mừng Bộ trưởng được cử tri và Quốc hội tín nhiệm cao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn trách nhiệm của Bộ, ngành địa phương trong xử lý tiêu cực trong vận tải, có xử lý được triệt để vấn nạn xe quá tải hay không. Trong khi cơ cấu vận tải còn rất bất hợp lý, đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Báo cáo Quốc hội, báo cáo đại biểu, nội dung này Bộ GTVT đã có báo cáo rất cụ thể gửi Quốc hội. Siết chặt tải trọng xe là trọng tâm của năm An toàn giao thông 2014 và cả năm 2015.
Với các giải pháp đồng bộ hiện nay, xe quá khổ quá tải đã giảm mạnh. Nếu ta quyết liệt hơn, đồng bộ hơn từ Trung ương đến địa phương thì sẽ làm được.
Thứ nhất, chúng tôi đã tổ chức ký cam kết giữa các chủ xe, chủ doanh nghiệp với các cơ quan quản lý. Thứ hai, các đầu nguồn hàng như bến cảng, bến tàu, bến xe cũng đều cam kết. Thứ ba, bên cạnh kiểm soát tải trọng lưu động, sẽ đầu tư các trạm kiểm soát cố định. Thứ tư là tăng cường công tác đăng kiểm, tăng cường tuyên truyền vận động để lái xe, chủ phương tiện, các cơ quan thực thi công vụ coi nhiệm vụ này là trọng tâm. Vì siết chặt tải trọng cũng là giải pháp để đảm bảo TTATGT. Cùng đó, cần tăng cường xử phạt nặng hơn, yêu cầu xe quay trở lại hạ tải mới cho đi tiếp.
Tháng sau, Bộ Công an cùng Bộ GTVT sẽ chủ trì tổng kết đánh giá việc kiểm soát tải trọng xe, chỉ rõ những mặt được, mặt chưa được. Xe quá khổ, quá tải, về cơ bản cuối 2015 sẽ không còn chỗ hoạt động.
ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai): Thực trạng hạ tầng nông thôn hiện nay ra sao? Xin cho biết nhận định và đánh giá? Cầu treo rất cần, xin Bộ trưởng cho biết thực trạng tiến độ và chất lượng xây dựng. Dự kiến năm 2015 chúng ta có thêm bao nhiêu cầu treo?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Giao thông nông thôn (GTNT) những năm qua luôn được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và địa phương nên bộ mặt đã thay đổi tích cực, là yếu tố quan trọng để các địa phương xây dựng nông thôn mới. Nhiều người dân hiến đất, phá bỏ tường rào... giao đất cho nhà thầu thi công. Có nông dân ở Thái Bình tặng 300 triệu đồng làm đường xã, Bộ GTVT đã tặng kỷ niệm chương. Có chị ở Thái Bình ủng hộ 100 triệu trong khi cuộc sống không dư dả. Có rất nhiều tấm gương như vậy trên cả nước.
Điều này cho thấy đây không chỉ là chủ trương của QH, của Chính phủ mà còn là mong mỏi của người dân và nhiều người đã ủng hộ nhưng để hoàn thành mục tiêu thì vẫn cần nhiều cố gắng hơn. Cần sự chỉ đạo quyết liệt của địa phương và của hệ thống chính trị.
Về tiến độ cầu treo, hiện nay, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đặc biệt là dân tộc ít người, thiểu số, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Báo chí đã có nhiều bài viết, phóng sự về điều này. Chúng tôi hết sức xúc động, chia sẻ khó khăn mà đồng bào gặp phải. Bộ đã chủ động đề xuất, Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng để án phát triển cầu treo dân sinh cho 50 tỉnh, hiện đang hoàn thiện báo cáo xây dựng khoảng 7.800 cầu. Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ và địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể.
Hiện nay, Bộ đã báo cáo và được Chính phủ cho phép làm trước 186 cầu từ ứng vốn ngân sách 2015. 30/6/2015 sẽ xong và làm tiếp theo. Các địa phương phải cùng tham gia đầu tư vì theo phân cấp đường tỉnh lộ, huyện, xã và cầu dân sinh đều thuộc trách nhiệm địa phương. Tuy nhiên, để địa phương tự bơi thì hết sức khó khăn. Do đó, Bộ chủ động làm việc với JICA và WB để vay vốn, dự kiến huy động thêm các tổ chức doanh nghiệp và nhà đầu tư làm chương trình nhịp cầu nhân ái. Đến nay cũng đã có doanh nghiệp đăng ký ủng hộ.
Dự kiến để đầu tư cần cần khoảng 2.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng, coi đây là chương trình quốc gia thực hiện trong 3 năm để thực hiện dứt điểm. Sẽ sử dụng vốn dư của các dự án hạ tầng giao thông, cụ thể là vốn dư của QL1A và đường HCM qua Tây Nguyên để làm một phần dự án cầu treo.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời câu hỏi của các ĐBQH chiều 18/11 |
ĐB Bạch Thị Hương Thuỷ (Hoà Bình): Hiện QL6 đang được Bộ GTVT cải tạo nâng cấp theo hình thức BOT. Xin Bộ trưởng cho biết mức thu phí hiện tại có cao không?
Hiện Bộ GTVT đang đầu tư dự án BOT trên QL1. Sau khi dự án hoàn thành sẽ có nhiều trạm thu phí nữa. Xin Bộ trưởng cho biết khoảng cách như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi xin trả lời đại biểu là mức thu phí phải theo quy định của pháp luật, cụ thể là khung giá của Bộ Tài chính quy định chứ không phải muốn thu bao nhiêu thì thu. Và mức quy định này phụ thuộc vào tổng mức đầu tư của dự án, phụ thuộc thời gian thu hồi vốn và lưu lượng xe…Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (có thể là Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN, địa phương) sẽ ký hợp đồng với nhà đầu tư.
Mức thu phí này cao hay thấp, tôi xin báo cáo là một số đường khi đưa vào khai thác, như Nội Bài – Lào Cai, cũng có ý kiến là mức quá cao. Nhưng thực tế, sau khi chúng tôi trao đổi với hiệp hội vận tải và các DN thì thấy rằng khi đưa vào khai thác, thời gian đi Lào Cai rút còn một nửa. Trước đây xe tải đi hết 7 – 8 tiếng, giờ chỉ còn 3,5 – 4 tiếng. Chi phí giảm được 30%. Đường cao tốc này thẳng hơn, an toàn hơn.
Trước đây, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai mua vé rất khó, rất đông người đi nhưng từ khi có cao tốc Hà Nội – Lào Cai thì khách đi tàu giảm xuống một nửa. Chúng tôi đã phải kịp thời cùng với đường sắt để điều chỉnh, tăng cường tàu chở hàng, lập đề án kết nối các phương thức vận tải, vận chuyển hàng từ Quảng Ninh – Hải Phòng qua đường sắt để đi Lào Cai. Như vậy, một công đôi việc, giảm tải vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, cước phí cũng giảm đi.
Về câu hỏi thứ hai, hiện Trung ương Đảng, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng QL1. Để thực hiện dự án này với tổng mức đầu tư tương đối lớn khoảng 120 nghìn tỷ (tương đương 6 tỷ USD), thời gian thi công trong 2 năm (trước dự kiến 3 năm) trong khi đó, nguồn lực mà QH quyết để đầu tư đường HCM qua Tây Nguyên cũng chỉ được có một nửa nhu cầu, một nửa phải huy động vốn xã hội hoá.
Có thể nói, việc huy động vốn xã hội hoá là yếu tố quyết định sự thành công của dự án cải tạo nâng cấp QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên.
Như vậy, việc thu phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư là điều phải làm, tuy nhiên, như tôi đã nói, mức phí sẽ phải theo đúng quy định.
Thứ 2, cự ly giữa các trạm thu phí sẽ phải đảm bảo đúng quy định, tối thiểu phải cách nhau 70km. Để thực hiện việc thu phí nhanh nhất, tránh thất thoát, lãng phí, giảm thời gian thì hiện chúng tôi đã xây dựng đề án thu phí không dừng, áp dụng trước trên QL1, sau đó là đường HCM. Qua đó, sẽ kiểm soát chặt chẽ toàn bộ lượng xe. Có nhà đầu tư rất ngại cách thu phí này, vì tất cả phải công khai, từ lưu lượng xe thực tế, thuế má, doanh thu...
ĐB Đặng Kim Chi (Phú Yên): Đèo Cả và đèo Cù Mông là 2 đèo tương đối nguy hiểm, cử tri rất vui mừng vì đã có hầm đường bộ qua Đèo cả nhưng rất nhiều ý kiến thắc mắc là đã nộp phí đường bộ rồi, dự án BOT hầm Đèo cả chưa thông nhưng hiện đã có 2 trạm thu phí ở phía Bắc và phía Nam? Xin Bộ trưởng giải thích và bao giờ thì hầm đường bộ qua đèo Cù Mông được triển khai?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trong dự án cải tạo QL 1A có 4 đèo, ngoài Hải Vân còn Phước Tượng, Phú Gia, Đèo Cả đang được đầu tư BOT. Dự án Đèo Cả được sự đồng ý của Chính phủ cho phép BOT, nhưng vốn lớn cần 15 nghìn tỷ đồng, trong đó 10 nghìn tỷ BOT và 5 nghìn tỷ BT. Nếu không có tham gia của Nhà nước sẽ rất khó làm. Bộ GTVT cùng chủ đầu tư trao đổi với Bộ KHĐT và Tài chính cho phép dùng 2 trạm thu phí 2 đầu coi như phương án vốn góp. Tổng thời gian thu phí không đổi, không ảnh hưởng hợp đồng. Đặt 2 trạm là phù hợp, nếu không có 2 trạm thì hầm Đèo Cả không biết bao giờ làm được.
Hiện đèo Cù Mông thường xuyên xảy ra TNGT, tôi rất trăn trở tìm vốn đầu tư. Vừa rà soát lại thiết kế hầm Đèo cả, tư vấn của Pháp thiết kế lại làm mới hướng tuyến, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng.
Trong khi Đèo Cù Mông dự kiến tổng đầu tư hết 3.500 tỷ đồng. Bộ GTVT đồng ý để nhà đầu tư tự bỏ tiền nghiên cứu dự án. Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng vốn Dự án Đèo Cả cho đèo Cù Mông, chậm nhất 2017 sẽ xong toàn tuyến.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương: Việc kiên quyết xử lý tiêu cực đăng kiểm, cân xe được cử tri khen ngợi nhưng thực tế hiện nay vấn nạn xe quá tải vẫn còn nhức nhối, cử tri hỏi sao xe Howo của Trung Quốc vẫn được lưu hành sau khi thay đổi kết cấu? Chả lẽ ta bó tay, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Về vấn đề đăng kiểm chúng tôi xin tiếp thu. Chúng tôi đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng và chống tiêu cực, thực tế là đã có nhiều chuyển biến. Chất lượng công việc, thái độ phục vụ của đăng kiểm viên đã tốt hơn. Chúng tôi đã kỷ luật 72 đăng kiểm viên, cách chức cả Giám đốc trung tâm đăng kiểm.
Hiện nay có chuyện kiểm soát giữa 2 chu kỳ đăng kiểm chưa tốt. Đối với xe Howo của Trung Quốc (thường gọi là hổ vồ), có tình trạng đi đăng kiểm thùng hàng đúng kích thước nhưng sau đó họ thay thủng xe để chở quá tải trọng, cũng có chuyện thuê thùng hàng đi đăng kiểm. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát giữa 2 kỳ đăng kiểm và xử lý các xe thay đổi kết cấu, cái này cũng rất cần có sự vào cuộc của các địa phương.
Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TP HCM) |
Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM):
Thực tế QL 1 của ta nếu thử đi từ TP. HCM đến Nha Trang mà đúng tốc độ do Bộ GTVT cắm thì hết bao nhiêu giờ? Rất ức chế. Hà cớ gì ta cứ hạ tốc độ? Người ta nói rằng nếu làm đường mà chỉ chạy 30 - 40 km/h thì thà đường đất mà đi. Đề nghị vấn đề này nghiên cứu cho kỹ.
Đầu nhiệm kỳ tôi cũng đề xuất, chúng ta thử đặt vấn đề, không bàn đường sắt cao tốc gì nữa, chúng ta cần một đôi đường sắt khổ 1.435mm chạy tốc độ khoảng 120 - 200km/h. Từ Hà Nội – Sài gòn khoảng 10 tiếng, ăn sáng Hà Nội, cafe tối ở TP. Hồ Chí Minh. Ta đặt mục tiêu đến 2025 kỷ niệm 80 năm ngày độc lập và 50 năm giải phóng, thống nhất đất nước, có làm được không? Bộ trưởng có nghiên cứu cái này không? Hay chúng ta cứ loay hoay với QL 1? Đường sắt từ thời Pháp đến giờ mãi vẫn thế là không được.
Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch và một số ý kiến khác, Bộ GTVT đã cho tổng rà soát toàn bộ các biển báo trên toàn quốc. Tất cả biển báo bất hợp lý đều được tháo bỏ, để phù hợp với tiền chúng ta bỏ ra đầu tư. Ví dụ như đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, trước đây quy định tốc độ khai thác là 100km/h, bây giờ quy định 120km/h theo thiết kế. Tất cả dự án khác cũng vậy. Khi được hoàn thành theo thiết kế thì phải được khai thác theo đúng thiết kế. Vì đầu tư cho tốc độ 120km/h khác với 100km/h, nên tiền chúng ta bỏ phải khai thác hết. Và những biển báo bất hợp lý phải dẹp bỏ.
Báo cáo các đại biểu, Bộ GTVT đang triển khai chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được CP phê duyệt. Trong chiến lược này, phát triển đồng bộ các loại hình vận tải, cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy và hàng hải. Trong tái cơ cấu này có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp, chúng tôi đã tính toán việc này để đầu tư phát triển hợp lý các phương thức vận tải, kết nối các phương thức vận chuyển hàng hóa , đảm bảo tăng năng suất lao động, giảm chi phí vận tải, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với đường sắt, chúng tôi đã điều chỉnh chiến lược và đã trình Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài nguyên môi trường đang đánh giá tác động môi trường và nếu xong sớm, Chính phủ sẽ quyết định. Đường sắt Bắc - Nam đang được hiện đại hóa, nâng tốc độ khai thác đang từ 60km/h lên khoảng 90km/h để tăng năng lực khai thác, chuyên chở.
Đồng thời sẽ xây dựng một đường sắt đôi khổ 1.435mm các đoạn tuyến mới, tốc độ thiết kế khoảng 160 – dưới 200km/h. Khi đó, điều đại biểu nói sáng ăn phở ở Hà Nội, tối cafe ở TP. HCM có thể thành hiện thực. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện phân kỳ đầu tư, chọn đầu tư tuyến đoạn Hà Nội – Vinh và đoạn TP. HCM – Nha Trang trước, về sau điều kiện kinh tế cho phép, sẽ thực hiện việc kết nối để làm sao phát triển đồng bộ giữa các phương thức vận tải với nhau, hỗ trợ nhau, từ đó nâng chất lượng dịch vụ, giảm cước vận tải.
ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An): QL1A Đoạn Thanh Hoá, Vũng Áng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, dư luận phản ánh sau khi nâng cấp mặt đường mới cao hơn rất nhiều so với mặt đường cũ. Điều này sẽ khiến đoạn phía tây của QL sẽ ngập nhanh hơn? Đề nghị Bộ trưởng cho biết phản ánh của người dân có căn cứ không? Nếu có thì giải pháp là gì?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi hết sức chia sẻ với ĐB Phạm Văn Tấn và cử tri. Điều ĐB nêu ra được lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm. Trong quá trình tổ chức thiết kế, đảm bảo thi công, chúng tôi luôn quán triệt, cố gắng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, có những đoạn tuyến chúng tôi phải nâng cấp để tránh ngập lụt.
Chúng tôi đã cố gắng hạn chế thấp nhất việc nâng cao độ. Có những chỗ thiết kế nâng cao độ, lãnh đạo Bộ đi kiểm tra đã cho xử lý, hạ cao độ. QL hoàn thành sẽ có điểm đấu nối với tỉnh lộ. Chúng tôi đã chỉ đạo, đoạn cao quá phải thực hiện vuốt nối cho đảm bảo. Tỉnh lo làm gờ giảm tốc, lắp hệ thống đèn tín hiệu. Như vậy, việc đưa QL1 vào khai thác sẽ làm tăng lưu lượng nhưng giảm thiểu tai nạn.
Đại biểu Ngô Ngọc Bình (Đoàn TP HCM) |
ĐB Ngô Ngọc Bình (TP. HCM): Xin Bộ trưởng cho biết bao giờ huyện Cần Giờ có cầu kết nối với bên ngoài? Tiến độ chất lượng đường tuần tra biên giới hiện nay như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cần Giờ là một trong 8 huyện sẽ được đầu từ trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ trao đổi với TP.HCM để triển khai khai sớm.
Đường tuần tra biên giới, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư thực hiện. Nhưng với trách nhiệm quản lý nhà nước về GTVT, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành quy chuẩn, tư vấn thiết kế để triển khai. Tôi đánh giá cao hiệu quả của tuyến đường vành đai biên giới này. Đây không chỉ thuần túy đường là tuần tra biên giới đảm bảo an ninh quốc phòng, mà còn phục vụ tốt cho dân. Bộ GTVT cam kết cùng Bộ Quốc phòng và các đơn vị triển khai sớm nhất đảm bảo chất lượng.
Bài viết liên quan : vận chuyển hàng hóa đi campuchia
Đại biểu Trương Thị Ánh (Đoàn TPHCM) |
ĐB Trương Thị Ánh (Tp HCM): Tôi xin phép được trao đổi 3 câu hỏi mà cử tri quan tâm. Thứ nhất, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua đã thực sự có hiệu quả chưa? Những công trình làm đường giao thông đều đội vốn rất cao? Nguyên nhân vì sao vốn cao mà chất lượng chưa cao? Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này, biện pháp sắp tới như thế nào?
Thứ ba, thời gian qua, cử tri cho rằng việc kiểm soát tải trọng xe, xử lý tình trạng tài xế né, vượt trạm chưa hiệu quả? Bộ trưởng đánh giá vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Phòng chống tham nhũng là vấn đề rất lớn không những của ngành GTVT mà của tất cả các bộ ngành.
Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đê triển khai. Nói như Tổng Bí thư, đấu tranh với tham nhũng là công cuộc rất khó khăn, phức tạp vì liên quan đến đối tượng có chức, có quyền.
Bộ GTVT là ngành sử dụng vốn đầu tư nhiều nhất. Chúng tôi coi việc chống tham nhũng là hết sức quan trọng. Chúng tôi đã có các giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả, chống tham nhũng.
Thứ nhất là xác định trách nhiệm của người đứng đầu, từ phê duyệt thiết kế, chủ trương… Trách nhiệm ở đây cả Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục trưởng..
Thứ hai, công khai minh bạch mọi hoạt động của ngành GTVT từ công tác cán bộ, chủ trương đầu tư, phân bổ vốn, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, thiết kế…
Cụ thể hoá bằng văn bản của ngành GTVT như quy định cụ thể việc BQL không được làm, phân loại tư vấn giám sát, chủ đầu tư… Cùng với đó, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm.
Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu, nếu sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, thay thế. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ đề nghị cơ quan phát luật xử lý theo quy định.
Để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, chúng tôi rất coi trọng công tác cán bộ. Vừa qua, Bộ GTVT đã tổ chức thi tuyển các chức danh cấp trưởng các đơn vị.
Đại biểu có hỏi vì sao các công trình giao thông đội vốn, có rất nhiều nguyên nhân như đầu tư không đúng quy hoạch, định mức đơn giá không đúng quy hoạch, GPMB chậm...
Nhưng những công trình trước đây thì có, còn 3 năm trở lại đây, tất cả công trình giao thông mới được phê duyệt không có công trình nào đội vốn, thậm chí còn giảm hơn so với tổng mức đầu tư. Nếu chúng ta thiết kế phù hợp, GPMB tốt, tiến độ đảm bảo thì không có lý do gì để công trình đội vốn cả.
Về vấn đề xe né trạm cân là có, kể cả tại các cảng. Tại Cát Lái, cảng cân đúng nhưng cách khoảng chục cây thì lại có bãi để chất thêm hàng. Xe ra khỏi cảng, đỗ lại chờ chất thêm 1 container nữa mới đi. Tôi xin nói là nếu địa phương nào mà người đứng đầu thực sự vào cuộc thì không có chỗ cho xe quá tải. Ở địa phương, đơn vị nào có xe nào quá tải, DN nào lớn, DN nào bé, các anh biết hết, chỉ cần gọi lên nhắc nhở, kiểm soát chặt, không doanh nghiệp nào dám chạy quá tải cả.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP HCM) |
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM): Dự án đường sắt trên cao Hà nội – Hà Đông, tuyến đường này sử dụng công nghệ của quốc gia nào? Cũ hay mới? Vì sao tiến độ quá chậm, đội vốn quá cao?
Từ hôm rơi cáp cẩu chết người tôi xem lại ở Trung Quốc có tàu trên cao rơi xuống chết nhiều người. Tôi và nhiều cử tri đi trên tuyến đường này rất lo ngại. Bộ trưởng có cam kết khi đưa công trình này vào vận hành khai thác có tuyệt đối an toàn không? Nếu tàu rơi xuống đất thì sẽ là thảm hoạ. Liệu có giải pháp nào an toàn hơn, ví dụ như cho chạy trong hộp để không rơi xuống đường chẳng hạn?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bộ GTVT đã chỉ đạo rất sát sao. Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dùng vốn và công nghệ Trung Quốc, tốc độ tàu 40km/h, cao nhất 60km/h. Dự án dùng tàu mới nhất và công nghệ mới nhất của Trung Quốc.
Để an toàn, Bộ đã phê duyệt biện pháp thi công, đảm bảo an toàn, nhất là trong thành phố đông đúc. Sự cố thép rơi là rất đáng tiếc, chúng tôi đã cho dừng dự án để kiểm tra tổng thể, xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan. Chỗ nào ổn mới cho thi công. Chúng tôi đã chuẩn bị cho quá trình vận hành khai thác sau này, khi vận hành tiêu chuẩn an toàn là số 1, sau mới là hiệu quả. Việc giám sát và thực hiện phải đúng thiết kế để đảm bảo an toàn.
ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Nhiều tuyến đường vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng và xuống cấp trong khi suất đầu tư cho 1km đường rất cao. Như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, QL 51 Biên Hòa – Vũng Tàu. Cử tri cho rằng thất thoát đối với công trình giao thông khoảng 30 – 50%, thậm chí trên 50%. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ công trình kém chất lượng, đồng thời ngân sách nhà nước phải chi ra khoản lớn để sửa chữa khi hết thời gian bảo hành.
Bộ trưởng nghĩ gì về thực trạng này, và có giải pháp nào để quản lý toàn diện từ thiết kế, thi công, giám sát nhằm chống thất thoát, tham nhũng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây là vấn đề được nhân dân, ĐBQH hết sức quan tâm. Cùng với đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công trình luôn là nội dung hết sức trọng tâm của Bộ GTVT. Năm nay là năm thứ 4 Bộ GTVT lấy là năm chất lượng công trình, siết chặt kỷ cương, tiến độ. Vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng công trình.
Từ năm 2012 đến nay đã khởi công 148 công trình và hoàn thành 112 công trình. Phần lớn các dự án này đang vượt và đảm bảo tiến độ và chất lượng. Còn một số ít dự án khi đưa vào sử dụng đã có hỏng hóc như Nội Bài – Lào Cai vừa qua. Có những nguyên nhân của nó, trong đó có việc kiểm soát không chặt chẽ, các chủ thể bao gồm chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu không tuân thủ quy trình thi công. Như QL 51 chất lượng đầu vào không đảm bảo. Có tình trạng mưa vẫn thi công nên chất lượng kém. Đây là dự án BOT, chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu không cho phép thu phí. Chất lượng không đảm bảo, chúng tôi yêu cầu phạt, khắc phục toàn bộ mới được đưa vào khai thác.
Xin báo cáo Quốc hội, sự cố vết nứt tại dự án Nội Bài – Lào Cai là một trong những rủi ro. Vết nứt tại km 83 là một trong những vị trí chờ lún chúng tôi đã xác định từ trước. Dự án này chưa khánh thành, mới thông xe kỹ thuật chưa hoàn thành đẩy đủ các hạng mục nhưng Bộ đã xin ý kiến đưa vào khai thác để góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội.
Quá trình khảo sát thiết kế đã không phát hiện được, giữa hai lỗ khoan có một tảng đá trượt. Thiết kế dự án là của Nhật Bản, thi công là nhà thầu Keangnam Hàn Quốc đều không phát hiện được. Chúng tôi đã có những giải pháp khắc phục trong tháng 12 này. Từ việc này, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình, cái gì thiếu sẽ bổ sung.
Bộ đã có chương trình nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia bao gồm chủ đầu tư, tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công. Hơn nữa sẽ tăng cường kiểm tra giám sát của lãnh đạo bộ, các cục vụ và các cơ quan liên quan. Đặc biệt là rất cần sự giám sát của các cơ quan báo chí, người dân và các đại biểu Quốc hội. Mong rằng việc đầu tư các dự án phát triển giao thông trên địa bàn dù của địa phương hay Trung ương đầu tư, rất mong nhận được các ý kiến góp ý, phản ánh và tăng cường sự giám sát của xã hội. Tôi cho rằng với sự giám sát chặt chẽ, tuân thủ quy định pháp luật thì dự án sẽ đảm bảo chất lượng.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Đoàn Quảng Nam)
|
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Tôi xin hỏi hai vấn đề, suất đầu tư của ta quá cao, thậm chí có những đoạn đường cao nhất hành tinh. Bộ trưởng có trả lời là đều bám sát suất đầu tư theo quy định của Bộ xây dựng. Bộ rà soát lại chưa? Có tách phần mặt bằng ra để công bố công khai?
Sau này khi hoàn thành QL1, có khả năng kéo dài thời gian thu phí hay không? Liệu người dân phải đóng thêm phí. Bộ trưởng tính sao? Giải pháp, trách nhiệm đối với chia sẻ của người dân?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Về suất đầu tư, hiện nay, nhiều người nói là suất đầu tư của VN cao nhất thế giới. Từ thông tin này, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng kiểm tra đánh giá, tìm hiểu các nguồn thông tin cả trong nước, cả nước ngoài để có sự so sánh, đánh giá.
Tôi xin phép báo cáo, đối với suất đầu tư đường cao tốc của VN, chúng ta tương đương của Trung Quốc, thấp hơn của Hàn Quốc và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Nhật Bản có những đường cao tốc mà 1km lên tới 256 triệu USD.
Thực ra việc so sánh rất khập khiễng. Nhiều yếu tố phải tương đồng một cách tương đối thì mới so sánh được. Nhưng phải nói rằng báo cáo của Bộ Xây dựng là hoàn toàn khách quan và có thể tin tưởng được.
Chúng ta có dự án mà suất đầu tư còn thấp hơn các nước trong khu vực. Ví dụ như đường Hà Nội – Thái Nguyên là 4,19 triệu USD/km. Cao tốc Nội Bài – Lào Cai là 6,9 USD triệu/km. Hà Nội – Hải Phòng là 11,27 triệu USD/km. Sở dĩ suất đầu tư của đường Hà Nội – Hải Phòng cao hơn Nội Bài – Lào Cai, cao hơn Hà Nội – Thái Nguyên là vì dự án sử dụng vốn vay thương mại. Riêng lãi suất đã là 3,5 triệu USD/km rồi.
Các dự án đi qua nền đất yếu, có nhiều cầu cũng sẽ có suất đầu tư cao. Như đường cao tốc Bến Lức – Long Thành là 25,8 triệu USD/km vì hơn 50km thì có đến 25km là cầu trong đó có 2 cầu rất lớn là Bình Khánh và Phước Khánh.
Thường thì các dự án trong Đồng bằng sông Cửu long nền đất yếu nên suất đầu tư cao hơn.
Ngoài ra, các dự án xây dựng đường giao thông của ta có một số chi phí cao như chi phí GPMB, vốn không lo đủ từ đầu nên dẫn tới kéo dài khiến trượt giá. Rồi cả chi phí rà phá bom mìn nữa...
Đặc biệt, đường cao tốc Việt Nam đi qua các khu dân dư nên có quá nhiều nút giao, hầm dân sinh. Như dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 106km, 10 nút giao, mỗi nút giao 800 – 1000 tỷ đồng. 107 hầm dân sinh, 22 cầu vượt. Địa phương nào có dự án đi qua cũng đều yêu cầu có nút giao. 10 cây số một nút giao thì rất khó gọi đó là đường cao tốc. Trong khi chúng ta đầu tư đường cao tốc với tốc độ 120km/h.
Chúng tôi sẽ có báo cáo chi tiết gửi thêm đại biểu Minh về suất đầu tư trong nước, thế giới.
ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng): Những năm đổi mới, GTVT đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận nhưng chưa thật đồng bộ, hàng không, đường bộ đã khang trang hơn nhưng đường sắt còn dũng những cung đường từ thời Pháp thuộc, vận tốc TB 60km trong khi thế giới là 120-140km/h, vậy xin Bộ trưởng cho biết chiến lược phát triển giao thông của thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bộ GTVT đang triển khai Chiến lược phát triển GTVT đã được Chính phủ phê duyệt, theo đó, phát triển 5 loại hình cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không và hàng hải. Bộ cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp. Mục tiêu là phát triển hợp lý, hiệu quả các phương thức vận tải, kết nối các phương thức vận tải nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn và giảm giá cước.
Về chiến lược phát triển đường sắt, chúng tôi đã điều chỉnh và trình Chính phủ. Bộ Tài nguyên môi trường đang đánh giá tác động môi trường.
Như đã trả lời phần trước, đường sắt Bắc - Nam sẽ hiện đại hóa, nâng công suất, tốc độ khai thác từ 60 lên 80km/h, xây dựng đường sắt khổ đôi 1,435m ở một số tuyến mới, tốc độ khai thác khoảng 200km/h. Với kế hoạch này, mong muốn như đại biểu Trần Du Lịch đề cập sẽ sớm thành hiện thực, tức là sáng ăn phở ở Hà Nội, tối cà phê ở TP.HCM, cả hành trình chỉ mất khoảng 10 tiếng. Về thực hiện phân kỳ đầu tư, sẽ chọn tuyến Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang làm trước.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam ĐỊnh)
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam ĐỊnh)
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Nhiều năm nay cử tri các tỉnh duyên hải Bắc bộ rất mong ước sớm có tuyến đường ven biển đi qua các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng - Nam Định - Thanh Hoá, góp phần tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh này, vừa đảm bảo yêu cầu về ANQP, tăng cường khả năng của tuyến phòng thủ ven biển. Trong bối cảnh sức ép nợ công hiện nay, việc đầu tư cho tuyến đường này từ nguồn ngân sách hết sức khó khăn, phân cấp cho các tỉnh tự lo cũng rất khó khăn, đặc biệt với các tỉnh thu ngân sách hạn chế như Nam Định, Thái Bình.
Xin Bộ trưởng cho biết bộ có giải pháp nào, biện pháp nào để cử tri các tỉnh sớm có con đường trong mơ này không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chia sẻ với đại biểu Sơn, không chỉ Nam Định mà nhiều tỉnh đều có đường ven biển, vừa là đường giao thông mà còn góp phần chống biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tôi cho rằng điều này là rất cần thiết tuy nhiên chúng ta cũng cần cân đối cho thật phù hợp.
Hiện nay, riêng đường bộ, chúng ta đang triển khai 5 tuyến đường là dự án nâng cấp mở rộng QL1, đường cao tốc HN-Tp.HCM, đường HCM, đường tuần tra biên giới và đường thứ 5 là đường ven biển. Cả 5 tuyến đường đều cần thiết nhưng phải cân đối thứ tự, trình tự ưu tiên đầu tư sao cho vừa phù hợp với túi tiền, vừa có thể khai thác hiệu quả góp phần thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông.
Xin báo cáo với đại biểu là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì tuyến đường ven biển phía nam và đường ven biển từ Quảng Ninh đến Vũng Áng sẽ ưu tiên đầu tư trước.
PV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét